Vương quốc Thái Lan, thường gọi là Thái Lan, là một quốc gia nằm ở vùng Đông Nam Á, có đường biên giới phía bắc và đông bắc giáp Lào, phía đông nam giáp Campuchia, phía nam giáp Vịnh Thái Lan và Mã Lai, phía bắc và tây bắc giáp Myanma, phía tây nam giáp biển Andaman. Thái Lan cũng từng được gọi là Xiêm, đây là tên gọi chính thức của nước này đến ngày 11 tháng 5 năm 1949. Từ "Thái" (ไทย) trong tiếng Thái có nghĩa là "tự do". "Thái" cũng là tên của người Thái – sắc dân trong đó có khá nhiều người hiện là dân tộc thiểu số có số dân đáng kể ở Trung Quốc vẫn lấy tên là "Xiêm". Từ "Thái Lan" trong tiếng Việt có xuất xứ từ tiếng Anh Thailand (trong đó land nghĩa là đất nước, xứ sở), và Thailand được dịch từ ประเทศไทย (Prathet Thai) với nghĩa là "nước Thái". Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 6 tháng 8 năm 1976. Tên gọi Trong tiếng Thái, tên của Thái Lan là ราชอาณาจักรไทย (Racha Anachakra Thai). Hai chữ ราชา (Racha) và อาณาจักร (Anachakra) thì có gốc từ tiếng Phạn: Racha có nghĩa là "quốc vương", Anachakra có nghĩa là "lãnh thổ". Trong khi đó, ไทย (Thai) là một chữ tiếng Thái có nghĩa là "tự do". Ý của cụm từ Racha Anachakra Thai là "Vương quốc của người tự do". Tiếng Thái còn gọi nước Thái là เมืองไทย (Mương Thai) hay ประเทศไทย (Prathết Thai). Hai chữ Mương và Prathết có cùng nghĩa "nước của người". Nhiều nhà ngôn ngữ học nói chữ เมือง (Mương) là đồng âm nghĩa với chữ "mường" trong tiếng Việt. Trong tiếng Việt, vương quốc này được gọi là "Thái Lan". Từ này có gốc Hán-Việt và tiếng Anh. Đúng ra thì "Thái Lan" đến từ Thailand trong tiếng Anh nhưng ngày xưa trong tiếng Việt không phiên âm được Thailand và, do đó, phải chế ra một âm để người Việt đọc được. Các nhà Hán học ở Việt Nam dùng hai chữ Hán có cách phát âm gần với từ Thailand như các nhà Hán học ở Đông Á thường dùng: hai chữ này là "Thái Lan" (泰蘭). "Thái" (泰) được dùng để dịch âm Thai hay Tai, và cũng thường được dùng để gọi người Thái; "Lan" (蘭) dùng để dịch âm Land, như trong "Ba Lan" (巴蘭 - Poland), "Ái Nhĩ Lan" (愛爾蘭 - Ireland), v.v. Ở Trung Quốc, vương quốc này được gọi là "Thái Quốc" (泰國), hay "Thái Vương Quốc" (泰王國). Người Việt trước đây còn gọi Thái Lan là "Xiêm La" (暹羅) và người Thái là "người Xiêm". Lịch sử Công viên lịch sử PhnomrungNhiều nền văn hóa khác nhau đã có mặt tại đây từ thời Văn hóa Baan Chiang. Nhưng do vị trí địa lý, văn hóa Thái Lan luôn chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ và Trung Quốc cũng như từ những nước láng giềng Đông Nam Á khác. Theo sử sách Thái Lan, người Thái xuất xứ từ vùng núi Altai, đông bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc từ 4500 năm trước, sau đó di cư dần xuống vùng đất hiện nay là Thái Lan. Vào năm 1238, người Thái thành lập một vương quốc Phật giáo tên Sukhothai (ở miền Bắc Thái Lan), dần thay thế vai trò của Đế chế Khmer đang tàn lụi (vào thế kỷ 13 – thế kỷ 15). Năm 1283 người Thái có chữ viết. Sau đó người Thái mở rộng lãnh thổ xuống phía nam, và năm 1350 chuyển kinh đô xuống Ayuthaya (phía bắc Bangkok 70 km). Năm 1431, quân Xiêm cướp phá Angkor. Nhiều bảo vật và trang phục của văn hóa Hindu đã được họ đem về Ayutthaya, lễ nghi và cách ăn mặc của người Khmer được dung nhập vào thượng tầng văn hóa Xiêm. Trong khoảng 400 năm, từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18, giữa người Thái và người Miến Điện láng giềng luôn xảy ra các cuộc chiến tranh và kinh đô Ayuthaya bị huỷ diệt ở thế kỷ 18. Năm 1767, một tướng người Thái gốc Hoa, Taksin, đứng lên chống quân Miến Điện giành lại độc lập và dời đô về Thonburi, bên bờ sông Chao Phaya, đối diện với Bangkok. Vua Rama I (1782) lên ngôi và chọn Bangkok (hay "Thành phố của các thiên thần") làm kinh đô. Trước năm 1932, Thái Lan theo chế độ quân chủ chuyên chế. Sau cuộc cách mạng tư sản năm 1932 do một nhóm sĩ quan trẻ lãnh đạo, Thái Lan chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến. Ngày 10 tháng 12 năm 1932 vua Prachadhipok (Rama VII) đã thông qua bản hiến pháp đầu tiên của Thái Lan. Hơn 60 năm qua Thái Lan đã thay đổi 16 hiến pháp (nhiều lần đảo chính), nhưng Hiến pháp 1932 vẫn được coi là cơ sở. Cuối cùng, vào thập niên 1980, Thái Lan chuyển hướng sang con đường dân chủ. Năm 1997, Thái Lan trở thành tâm điểm của Khủng hoảng tài chính Đông Á. Đồng baht nhanh chóng sụt giá từ mức 25 baht đổi 1 đô la xuống mức 56 baht đổi 1 đô la. Sau đó, đồng baht dần lấy lại được sức nặng của mình, đến năm 2007, tỷ giá giữa đồng baht và đô la là 33:1. Lịch được sử dụng chính thức tại Thái Lan là Phật lịch, một loại lịch của người phương Đông, sớm hơn Tây lịch 543 năm. Năm 2007 thì là năm thứ 2550 Phật lịch tại Thái Lan.